Thuốc thủy sản ROHA
091 307 8556 Roha Miền Nam
08 345 888 89 Roha Miền Bắc
info@roha.vn Email liên hệ
» » Dinh dưỡng khoáng chất cho tôm trong ao nuôi - AQUA PRO

Dinh dưỡng khoáng chất cho tôm trong ao nuôi - AQUA PRO

Người nuôi cần lưu ý rằng, trong quá trình sống và lớn lên, con tôm lấy khoáng để cung cấp cho cơ thể vừa thông qua con đường thức ăn, vừa hấp thu trực tiếp từ môi trường nước thông qua việc uống nước hoặc hấp thu qua mang, vỏ...

Đặc điểm này rất quan trọng để chúng ta có các cách thức cung cấp nguồn khoáng cho tôm. Đó chính là trộn khoáng vào thức ăn hoặc tạt thẳng vào trong nước. Đồng thời, việc sử dụng loại khoáng nào trộn thức ăn và loại nào tạt trực tiếp xuống ao cũng rất quan trọng. Hiện nay sản phẩm của tất cả các nhà cung cấp đều được chia làm hai loại, bà con chỉ cần chọn loại thích hợp, đặc biệt là chọn nhà cung cấp có uy tín, sản phẩm có chất lượng tốt. máu tôm, lờ đờ, cong thân, đề kháng.

Bổ sung khoáng cho tôm là rất cần thiết, đặc biệt là với hình thức nuôi thâm canh hiện nay, mật độ tôm trong ao dày, nhu cầu khoáng chất của tôm tăng lên rất lớn, nguồn khoáng có sẵn trong nước không thể đáp ứng đủ. Chưa kể là tùy thuộc vào nguồn nước khác nhau sẽ có thành phần và chất lượng khoáng rất khác nhau.

Để chủ động điều chỉnh được nguồn khoáng trong ao nuôi, đáp ứng tốt nhu cầu của tôm, người nuôi nên biết rõ tác dụng từng thành phần khoáng đối với sự phát triển của con tôm, những biểu hiện bệnh của tôm khi thiếu khoáng, dạng khoáng cần bổ sung và cách thức bổ sung thế nào là tốt.

Đối với động vật hiện nay người ta xác định có 6 nguyên tố khoáng đa lượng (Ca, Mg, P, K, Na và Cl) và 16 nguyên tố vi lượng là (As, Cr, Co, Cu, I, F, Fe, Mn, Mo, Ni, Se, S, Si, Sn, Zn và V) là cần thiết cho cơ thể động vật. Trong nhóm khoáng vi lượng chức năng sinh lý của Cr, Co, Cu, Fe, Mn, Mo, Se, Zn, F và I thì đã được khẳng định, tuy nhiên vai trò của Ni, V, Si và As thì chưa được nghiên cứu. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy động vật thủy sản cần Ni, V, As nếu sinh trưởng trong nước không có khoáng.

Nhu cầu về khoáng cho động vật thủy sản (ĐVTS) phụ thuộc vào:

  • Thành phần và hàm lượng khoáng hiệu quả trong thức ăn
  • Nồng độ khoáng trong môi trường nước
  • Tình trạng dinh dưỡng trước đó của động vật thủy sản

Chức năng của muối khoáng

  • Là thành phần cấu tạo của cơ thể như các nguyên tố đa lượng Ca, P, Mg tham gia cấu tạo khung cơ thể.
  • Có thể có vai trò cần thiết duy trì chức năng sinh lý bình thường.
  • Vai trò chất xúc tác cho phản ứng sinh hoá.
  • Duy trì chức năng sinh lí thể hiện ở những muối kiềm ảnh hưởng đến sự cân bằng axit và bazơ góp phần trong việc ổn định nồng độ thẩm thấu cơ thể cũng như duy trì sự cân bằng nước.
  • Dẫn truyền thần kinh và một số nguyên tố là thành phần cấu tạo một số hormon như iốt trong Thyroxine giúp cơ thể thích ứng điều kiện bên trong và bên ngoài.
  • Tham gia vào cấu tạo máu như Fe (hemoglobin), Cu (hemocyanin)
  • Nồng độ thẩm thấu  muối vô cơ trong cơ thể và môi trường ngoài khác nhau lớn do đó cơ thể và môi trường luôn có quá trình trao đổi muối khoáng thông qua da, mang, ruột...

Vai trò của khoáng đa lượng đối với tôm thẻ chân trắng

Canxi (Ca) và Phospho (P)

Ca và P là thành phần chính tạo nên lớp vỏ của tôm. Ca cần thiết cho sự đông máu (blood clotting), các chức năng của cơ, sự truyền dẫn thần kinh, điều hòa áp suất thẩm thấu và là đồng nhân tố tác động trong hệ enzyme. P là thành phần trong các phosphate hữu cơ như là các nucleotide phospholipid, coenzyme, ADN và ARN.

Khả năng sử dụng và hấp thu Ca, P phụ thuộc vào dạng và hàm lượng Ca, P; thành phần của thức ăn và cấu trúc hệ thống tiêu hóa của động vật thủy sản. Khả năng hấp thu Ca của ĐVTS tăng khi sử dụng dạng Ca, P hòa tan. Khả năng hấp thu Ca sẽ giảm 20 - 34% khi hàm lượng P tăng cao trong thức ăn.

Tỉ lệ Ca/P được đề nghị cho một số loài đã được đề nghị: 0.56/1.1 cho tôm hùm, 1:1 cho tôm he Nhật bản, 1:1 hoặc 1:1.5 ở tôm sú. Mức Ca tối đa cho tôm là 2.3% trong thức ăn. Mức P từ 1 - 2%.

Natri (Na), Clo (Cl) và Kali (K)

Na+, Cl- và K+ tham gia vào quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu, hoạt động enzyme trong tế bào. Na+ có chức năng trong dẫn truyền xung động thần kinh cơ. K+ có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của tôm. Tôm thẻ chân trắng có biểu hiện biếng ăn, hoạt động kém, tăng trưởng chậm, thậm chí chết khi thiếu K+.

Các khoáng đa lượng như Na, Cl và K thì cần thiết cho các hoạt động sinh lý của cơ thể động vật thủy sản. Tuy nhiên trong nước ngọt và nước biển đều có nhiều các nguồn khoáng này, đặc biệt là nước biển. Chức năng chủ yếu là duy trì  cân bằng áp suất thẩm thấu của cơ thể, cần bằng axit - bazơ, dẫn truyền thần kinh, duy trì cấu trúc màng tế bào.

Magie (Mg)

Mg rất quan trọng trong sự cân bằng bên trong và ngoài tế bào của tôm. Mg tham gia vào quá trình hô hấp tế bào và những phản ứng truyền dẫn phosphate. Mg là nhân tố kích hoạt cho tất cả các phản ứng trong quá trình trao đổi chất lipit, carbohydrate và protein. 

Mg được xác định là cần thiết cho một số loài tôm cá. Chức năng chủ yếu của Mg là giữ vai trò quan trọng trong các phản ứng phosphoryl hóa và một số hệ thống enzyme. Trong gan, Mg tham gia vào việc tăng hoạt lực biến dưỡng. Hàm lượng Mg trong nước biển tiêu chuẩn khá cao 1.350 mg/l. Giáp xác và cá biển có khả năng hấp thu và đào thải lượng Mg dư ra khỏi cơ thể. Hàm lượng Mg trong máu nhóm này thường thấp hơn môi trường ngoài và có thể chúng không cần cung cấp từ thức ăn (Dall, 1983). Tuy nhiên, ở môi trường nồng độ muối thấp hoặc môi trường nước ngọt thì tôm cá cần  được cung cấp Mg từ thức ăn. Ở tôm thẻ chân trắng khi bổ sung 0.12% vào thức ăn tôm sẽ sinh trưởng tốt hơn  (Liu, 1997), tôm he được đề nghị mức 0.3%.

Các khoáng chất vi lượng

Một số nguyên tố hiện diện với một số lượng rất  nhỏ (10-12%) nhưng có ảnh hưởng một cách rõ rệt đến các quá trình trao đổi chất cơ thể đó là nguyên tố vi lượng (như Fe, Cu, Zn,.. .).

Các nguyên tố vi lượng hoặc khoáng chất vi lượng, như crôm, coban, đồng, iốt, sắt, mangan, molypden, selen và kẽm tham gia vào các quá trình sinh hóa của cơ thể như quá trình trao đổi chất ở tế bào, hình thành cấu trúc xương, duy trì hệ thống colloidal (sản phẩm dạng gelatin của tuyến giáp).

Các yếu tố vi lượng duy trì trạng thái cân bằng axit-bazơ, tăng cường khả năng miễn dịch, loại bỏ stress, khả năng đề kháng bệnh và các chức năng sinh lý khác. Chúng là những thành phần quan trọng của kích thích tố (hormone) và các enzym, giữ vai trò như là chất hoạt hóa của một loạt các enzym.

Khẩu phần ăn chứa các chất có hoạt tính sinh học kích thích hệ miễn dịch được xem là có tiềm năng trong việc hạn chế các bệnh truyền nhiễm. Một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt là rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của tôm/cá trong nuôi trồng thủy sản.

Mỗi loại khoáng vi lượng có vai trò cụ thể của nó trong hệ miễn dịch của động vật nuôi. Tuy nhiên, các ion kim loại như Zn, Mn, Cu, Se có vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng miễn dịch hoặc hỗ trợ chức năng của hệ miễn dịch. Hệ thống miễn dịch sử dụng rất nhiều phương thức khác nhau để chống lại các yếu tố ngoại lai xâm nhập hoặc các kháng nguyên.

Cu (đồng)

Là thành phần nhiều enzyme có tính oxy hoá và có vai trò quan trọng trong sự hô hấp, là thành phần của sắc tố đen (Melanin), kích thích quá trình sử dụng Fe và là chất xúc tác cho việc tạo thành Hemoglobin (Hb). Đối với giáp xác dấu hiệu thiếu Cu là tôm giảm sinh trưởng, giảm hàm lượng Cu trong máu, gan tụy. Ở cá thiếu đồng cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng và dễ bị nhiễm bệnh. Hàm lượng Cu đề nghị cho tôm là 16-32 mg/kg thức ăn. hàm lượng Cu trong bột cá khá cao và là nguồn cung cầp Cu tốt cho động vật thủy sản.

Kẽm (Zn)

Kẽm là  thành phần cấu tạo enzyme Carbonicanhydrase (xúc tác phản ứng hydrat hoá) làm  tăng khả năng vận chuyển CO2. Ngoài ra Carbonicanhydrase còn kích thích tiết HCl trong dạ dày. Khi thiếu kẽm, tôm cá giảm tăng tưởng và giảm sức sinh sản. Nhu cầu kẽm  cho cá từ 15 - 25 mg/kg và tôm là 15 - 20mg/kg thức ăn.

 

Selenium (Se)

Selenium (Se) là một yếu tố vi lượng cần thiết trong chế độ dinh dưỡng cho sự sinh trưởng, phát triển và chức năng sinh lý của tôm, cá. Se là một thành phần của men glutathione peroxidase, tham gia xúc tác các phản ứng bảo vệ màng tế bào khỏi bị hư hại do quá trình oxy hóa. Vai trò quan trọng nhất của Selenium là chống oxy hóa, đặc biệt Selenium dưới dạng selenocysteine liên kết chặt chẽ với enzyme glutathione peroxidase ở bốn vị trí hoạt động và chúng đảm nhiệm vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ cơ thể chống các gốc tự do và tổn thương oxy hóa (Hilton et al., 1980, Wang et al., 1997).

Selenium có thể được cá, tôm hấp thu từ môi trường nước và thức ăn. Đối với các loài thủy sản sử dụng thức ăn công nghiệp có thành phần chính là ngũ cốc và các hạt có dầu sẽ không chứa đầy đủ hàm lượng Selenium. Do đó, các đối tượng này được bổ sung Selenium là một việc rất cần thiết.

Sritunyalucksana et al. (2011) đã chứng minh với hàm lượng 0,3 g selenium hữu cơ(OS)/kg thức ăn giúp cải thiện tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng và khả năng chống chịu với virus gây hội chứng Taura trên tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei, như vậy OS có vai trò trong việc kích thích hệ miễn dịch ở động vật thủy sản.

Thiếu Se dẫn đến một loạt các phản ứng oxi hoá nội sinh giảm, kháng thể giảm, tỷ lệ chết và biến dạng mô cơ tăng. Trong nuôi trồng thuỷ sản thâm canh mật độ cao hiện nay, hệ miễn dịch cũng như sức khoẻ vật nuôi là yếu tố quyết định. Nhu cầu Se ở tôm thẻ chân trắng là 0.2-0.4mg/kg khẩu phần (Desjardins, 1985).

Khi thiếu Selen trên tôm, cá sẽ gây các triệu chứng tăng tỷ lệ chết, giảm glutathione, đục thủy tinh thể, thiếu máu, stress.

Selennium cũng được dùng như tác dụng bảo vệ chống lại độc tính của kim loại nặng như cadmium và thủy ngân (Lall 1989).

Bấm để xem tiếp phần 3

Bình Minh tổng hợp.

Tham khảo từ các tài liệu:

[1]. PGS. TS Trần Thị Thanh Hiền. Bộ môn Dinh dưỡng và Chế Biến Thủy Sản - Khoa Thủy Sản - Trường Đại học Cần Thơ.

Giáo trình “Dinh dưỡng và thức ăn thủy sản”

[2]. Bổ sung khoáng đa lượng và vi lượng vào thức ăn để tăng năng suất thủy sản

http://m.vasep.com.vn/Tin-Tuc/1218_41069/Bo-sung-khoang-da-luong-va-vi-luong-vao-thuc-an-de-tang-nang-suat-thuy-san.htm - Thứ 5, 23/07/2015.

[3] Hồ Sơn Lâm (Viện Hải dương học - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) và Phạm Thị Anh (Viện Nuôi trồng Thủy sản - Đại học Nha Trang).

Ảnh hưởng của selenium hữu cơ lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và khả năng chịu sốc độ mặn của cá khoang cổ (amphiprion ocellaris cuvier, 830)

[4]. http://bionhatrang.com/bai-viet/nhu-cau-khoang-o-tom-nuoi.html

[5] Phó Văn Nghị - www.aquanetviet.com

Vai trò của khẩu phần phospho, kẽm và selen trong sức khỏe cá

Nguồn tài liệu: Lim, C., Philip. H. K., Carl. D. W., 2001. The role of dietary phosphorus, Zinc, and selenium in fish health. Lim. C. and Carl. D. W. (editors). Nutrition and Fish health. Includes bibiliographical references. ISBN 1-56022-887-3. pp. 201-212.

 

Nhắn tin đến ROHA
Đóng
facbook
email